Vì sao con người chủ yếu coi trọng phong thủy dương trạch?

Admin

Cổ nhân thường nói “nhất mệnh, nhì vận, tam phong thủy”, nếu con người sinh ra có mệnh tốt thì giống như chiếc xe có tính năng vượt trội và ngược lại. Vận là chỉ cuộc đời sau này, nếu vận tốt thì giống như con đường bằng phẳng, nếu vận xấu thì giống như con đường gồ ghề khó đi.

Nếu vận và mệnh đều tốt thì mọi việc thuận lợi, cuộc sống vui vẻ gặp nhiều may mắn. Nếu mệnh tốt nhưng vận lại xấu; hoặc mệnh xấu nhưng vận tốt; hoặc cả hai cùng xấu thì mọi việc gặp nhiều cản trở, cuộc sống khó đoán, lúc tốt lúc xấu hoặc gặp nhiều hoạn nạn. Do mệnh và vận đều là những cái khó thay đổi trực tiếp nên lúc ấy người xưa có thể dùng phong thủy để cải thiện, chọn cái tốt, tránh cái xấu.

Quan niệm của người xưa 

Phong thủy lại chia thành âm trạch (tức mộ phần) và dương trạch (tức nhà ở). Âm trạch là ngôi nhà của người âm. Sau khi chết người ta tìm một mảnh đất phù hợp để an táng. Người xưa quan niệm rằng, nếu tìm được nơi âm trạch tốt có thể khiến tiền nhân được “nhập thổ vi an”, trước hết nó là một cách để người xưa nhằm báo hiếu công ơn dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên lúc sống hay khi đã mất đều cần được ở nơi thân thiện với môi trường.

Dương trạch là nơi người sống cư trú, người sống ở nơi ấy lại chịu ảnh hưởng của các yếu tố môi trường xung quanh. Cách lựa chọn những điều kiện phù hợp đó được người xưa gọi là phong thủy hoặc địa lí học.

Về nguyên lí, quan niệm phong thủy trong âm trạch và dương trạch đều cơ bản giống nhau, đều có mối liên hệ mật thiết với vui buồn họa phúc của mỗi người trong gia đình. Tuy vậy, người xưa cũng cho rằng hiệu ứng ảnh hưởng lại khác nhau, âm trạch được coi là tĩnh nên hiệu ứng cũng chậm và lâu dài hơn, đồng thời ảnh hưởng gián tiếp đến con người.

Dương trạch thường là động nên hiệu ứng nhanh và ngắn hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến con người. Do âm trạch có ảnh hưởng gián tiếp, khó nhận ra, ngày nay cũng chưa có nghiên cứu nào chứng minh được nó có thực sự ảnh hưởng hay không nên ít người coi trọng mà chủ yếu coi trọng phong thủy dương trạch, tức nhà ở. Dưới đây là một số quan niệm về nhà ở của người xưa về môi trường xung quanh ngôi nhà.

Căn nhà phù hợp quan niệm phong thủy

Trước hết khi chọn mua một căn nhà, người ta thường chú ý xem sức gió mà ngôi nhà mình định mua như thế nào. Do thuyết phong thủy coi trọng việc “tàng phong tụ khí” nên khi phát hiện gió ở gần tòa nhà ấy thổi mạnh, có cảm giác lạnh gân cốt thì không nên chọn.

Theo người xưa, nơi có sức gió quá mạnh thì không phải là nơi vượng địa. Nhưng nếu sức gió quá chậm thì lại không lưu thông được không khí dễ gây tù túng bí bách, cũng là nơi không tốt cho sức khỏe. Gió ở quanh ngôi nhà tốt nhất là thổi nhẹ nhàng man mác, có cảm giác khoan khoái dễ chịu, phù hợp với quan niệm phong thủy.

Tiếp đến là ánh sáng, khi chọn nhà ngoài yếu tố không khí sạch sẽ thoái mái thì ánh sáng cũng rất quan trọng. Nếu ánh sáng không đủ khiến âm khí nặng, cảm giác tối tăm bức bối dễ gây bệnh tật. Ví dụ, khi vào cửa phải đi qua một hành lang hẹp, tối và ẩm thấp, phòng khách và nhà ăn không có cửa sổ, ánh sáng và không khí khó đi vào phòng, lâu dần khí ẩm ngấm vào người gây ra dịch bệnh cũng là điều dễ hiểu. Nền đất quanh nhà phải bằng phẳng chắc chắn tạo cảm giác ổn định, đáng tin cậy.

Căn nhà nằm dưới dốc là nơi địa hình không bằng phẳng, tà khí lưu chuyển gấp và mạnh, gây thay đổi nhiệt độ  căn nhà nên dễ dẫn đến bệnh tật. Nhà ở cũng không nên gần ống khói, nguồn gây ô nhiễm dễ gây bệnh tổn hại sức khỏe.

Trong phong thủy, nhà gần ống khói dễ gây ra khó sinh nở, bị tiểu nhân kích bác nói xấu, dễ gặp trộm cướp kiện tụng. Người xưa cho rằng nhà ở không nên quá gần những nơi có sát khí, dương khí, âm khí quá nặng; từ trường khí trường quá mạnh; âm khí và dương khí không ổn định như lò mổ, doanh trại quân đội, quan phủ, đền chùa miếu mạo, bãi tha ma, trường học, bệnh viện...

Nhà gần bệnh viện, lò giết mổ, bãi tha ma: nhà ở gần bệnh viện là nơi có nhiều bệnh nhân cứ trú, mầm bệnh nhiều, bệnh nhân lại được xem là những người khí huyết vận chuyển không bình thường, nếu khí ấy hội tụ nhiều thì khí trường ở xung quanh bị ảnh hưởng. Bệnh viện là nơi hàng ngày phải làm phẫu thuật mổ xẻ nên ảnh hưởng đến từ trường xung quanh.

Trong bệnh nhân cũng có người qua đời hoặc khi qua đời nhưng còn có nhiều điều vương vấn trên dương thế nên oan khí nặng, khí trường xung quanh cũng không tốt. Vì vậy, nhà ở nơi gần bệnh viện nên chú ý vệ sinh tránh dịch bệnh xâm nhập, nên làm nhiều việc thiện, tạo phúc đức để tăng thêm khí trường cho cơ thể và căn nhà.

Lò mổ bãi tha ma là nơi sát khí và âm khí nặng dễ ảnh hưởng đến tinh thần của gia chủ, đặc biệt là trẻ em. Nhà gần giáo đường, đền, miếu, từ đường: Trong phong thủy học, đình chùa miếu mạo là nơi tà khí đơn độc nên nhà ở gần những nơi này đều là không tốt. Trong quan niệm của người xưa, đây là chỗ của thần linh cư ngụ cần được yên tĩnh, là nơi linh khí hội tụ, âm khí nặng nên khí trường của nó can nhiễu ảnh hưởng đến môi trường sống.

Người xưa cho rằng, sống gần nơi này thì người trong nhà luôn cảm thấy cô độc, tính cách dễ cực đoan hoặc bạo ngược, nếu không thì lại vô cùng lương thiện nhưng luôn bị người khác bắt nạt. Nhà gần nơi từ trường quá lớn: Nhà ở quá gần trạm phát sóng hoặc tiếp sóng điện thoại, vô tuyến, trạm biến áp, dưới đường điện cao thế, nhưng nơi này có khí trường mạnh, từ trường lớn.

Điện thuộc hành hỏa dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ và tim mạch, dễ gây các bệnh về tim mạch, huyết quản. Ảnh hưởng đến tinh thần, dễ gây bệnh u não, tinh thần dễ bị kích động làm việc hay mắc sai lầm. Trẻ em có mức độ nhạy cảm cao nên mức độ ảnh hưởng lớn hơn người lớn.

Ngoài ra, trạm phát sóng lại có hình dạng thuộc hành “hỏa” nên sống gần những nơi này dễ bị ảnh hưởng đến tinh thần, quyết định không sáng suốt dễ gây tai nạn đổ máu, bị ngoại thương. Nhà gần nơi có dương khí mạnh: nhà ở quá gần quan phủ, đồn công an là nơi dương khí mạnh gọi là “cô tà tri địa”, tức nơi chỉ có dương khí hoặc âm khí.

Trong các thư tịch cổ về phong thủy thường nói “cô âm bất sinh, độc âm bất trưởng”, nếu chỉ có riêng khí dương thì không sinh sôi được, nếu chỉ có riêng khí âm thì không phát triển được. Người xưa cho rằng nhà ở gần những nơi này khiến tinh thần, sức khỏe ảnh hưởng dễ gây tranh đấu. Nhưng nếu là quan viên, lính tráng thì không thuộc đối tượng này.

Nhà gần nơi âm khí và dương khí không ổn định hay còn gọi “tụ tán vô thường”, tức hội tụ rồi nhanh chóng tản mát: nhà ở quá gần trường học, rạp chiếu phim, nhà hát là nơi khí trường không ổn định cũng ảnh hưởng đến tâm lí gia chủ.

Trường học thông thường trẻ em tụ tập đông đúc náo nhiệt vào ban ngày, tức khí dương tụ hội, nhưng khi tan học thì tản mát hết, đến đêm lại trở thành nơi rộng rãi thênh thang, vắng lặng, tức âm khí vượng. Sự thay đổi khí trường và không khí cuộc sống tạo sự mất cân bằng trong tâm lí cũng là điều dễ hiểu.

Rạp chiếu phim cũng là nơi dương khí hội tụ nhưng lại nhanh chóng tản mát. Nhà ở quá gần chợ: đặc biệt các chợ cóc, chợ đường phố là nơi hỗn tạp và tiếng ồn lớn đôi khi có tranh chấp xảy ra cãi vã, ẩm ướt, vệ sinh kém là nguồn của bệnh tật, đặc biệt mùi tanh của thịt cá cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần gia chủ.

Theo quan niệm phong thủy, chợ buôn bán thịt trâu bò lợn gà nhiều thì âm khí nặng ảnh hưởng sức khỏe. Nhà gần nơi ô nhiễm: nhà máy, lò mổ, khu chăn nuôi, bãi rác là nơi nguồn dịch bệnh, mùi xú uế nhiều dễ gây các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng, gia đạo khó hưng vượng cũng là điều đương nhiên. Những nơi này nên lắp một chiếc đèn màu đỏ để giảm bớt tà khí, có thể lắp đèn lồng nghệ thuật để có thêm tác dụng trang trí. 

(Đón đọc kỳ tới: Ngôi nhà ở gần nơi có cây cổ thụ có tốt không?)